Sunday, 5 December 2010

Vì sao đàn bà Việt hay bị đánh?

Mong rằng, những nhà soạn thảo pháp luật trong phòng họp có máy lạnh, hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người sống ở nhà tranh. Có như vậy, mới hiểu được thân phận của những người thuộc tầng lớp nghèo khổ.

5 lý do ăn... đòn

Ở Việt Nam, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bạo lực vợ chồng trong gia đình là do thiếu hiểu biết của người trong cuộc. Đáng lo ngại rằng, do thiếu hiểu biết nên chính người phụ nữ nhiều khi lại tạo cho nam giới "môi trường thuận lợi" để một số ông chồng phát huy tính vũ phu của họ.

Nghiên cứu của Tổng cục Thống kê và UNICEF về Đánh giá các mục tiêu Trẻ em và Phụ nữ năm 2006 cho thấy một kết quả thật đáng ngạc nhiên: Có tới 64% phụ nữ trong độ tuổi 15-49 chấp nhận hành vi bạo lực của chồng với một trong 5 lý do sau: Vợ đi chơi mà không nói cho chồng biết. Vợ bỏ bê con cái. Vợ cãi lại chồng. Vợ từ chối quan hệ tình dục với chồng. Và vợ nấu thức ăn bị cháy. Kết quả này cho thấy, cứ 3 phụ nữ thì 2 người đồng ý với việc chồng có quyền đánh vợ nếu người vợ có một trong 5 khuyết điểm nói trên.

Vì thế, việc phòng chống bạo lực gia đình cần bắt đầu từ nâng cao nhận thức cho người chồng và cả chính người vợ. Cần lưu ý đến các đặc điểm về khu vực địa lý, về đặc trưng nhân khẩu học xã hội mà có phương thức và nội dung tuyên truyền, giáo dục phù hợp với những nhóm đối tượng khác nhau.

Những yếu tố ảnh hưởng đến sự thiếu hiểu biết bao gồm khu vực cư trú (nông thôn thiếu hiểu biết hơn đô thị, miền núi kém hiểu biết hơn đồng bằng), về trình độ học vấn (học vấn càng thấp càng dễ chấp nhận việc chồng đánh vợ).

Người phụ nữ có độ tuổi càng cao thì càng dễ cam chịu mình có lỗi khi bị chồng "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay". Vì nhóm tuổi càng cao thì càng chịu nhiều ảnh hưởng của quan niệm cũ về thân phận làm vợ và họ cũng ít có cơ hội được tiếp cận thông tin, giáo dục so với nhóm trẻ tuổi. Phụ nữ dân tộc thiểu số thường có tỷ lệ chấp nhận bạo lực của chồng cao hơn phụ nữ người Kinh.


Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bạo lực vợ chồng trong gia đình là do thiếu hiểu biết của người trong cuộc.
Người ở nhà ngói tư duy khác kẻ sống ở nhà tranh?

Sự thay đổi nhận thức thường có thể dẫn đến thay đổi thái độ và hành vi. Do vậy để ngăn ngừa và phòng, chống bạo lực gia đình, bên cạnh những giải pháp khác cần ưu tiên cho việc nâng cao nhận thức của phụ nữ, nam giới và cộng đồng, trước hết về Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân- gia đình và các quyền con người.

Một điều quan trọng nữa, nếu phụ nữ còn cam chịu, thì rất khó giảm được các hành vi bạo lực gia đình. Cho nên, bên cạnh việc nâng cao kiến thức về quyền, luật pháp cho phụ nữ, cũng cần trang bị cho họ kỹ năng phòng ngừa, tự vệ, và khuyến khích phụ nữ tự tin, dũng cảm "phá vỡ sự im lặng" cố hữu, không còn là nô lệ theo kiểu suy nghĩ "xấu chàng, hổ ai".

Để Luật phòng, chống bạo lực gia đình nhanh chóng đi vào cuộc sống một cách có hiệu quả, thiết nghĩ cần có sự đánh giá việc triển khai thực hiện luật này như thế nào. Có ý kiến cho rằng, sau khi ban hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình thì các vụ bạo lực gia đình lại tăng.

Mới đây, chúng tôi tiến hành khảo sát việc thực hiện Luật phòng, chống bạo lực gia đình tại 4 tỉnh, trong đó có một xã thuộc ngoại thành Tp. Hồ Chí Minh, thấy rằng việc tuyên truyền, giới thiệu Luật phòng chống bạo lực gia đình trong dân cư còn hạn chế. Đáng chú ý rằng, việc thực hiện Nghị định 110 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình rất khó khả thi.

Một trưởng công an xã cho biết rằng, năm vừa qua đã ra quyết định xử phạt hành chính 3 lần với một ông chồng bạo lực, nhưng họ chẳng nộp phạt đồng nào (mỗi quyết định xử phạt với mức 1,5 triệu đồng), và với những ông chồng này hành vi bạo lực gia đình không vì vậy mà giảm.

Việc xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình, có lẽ chỉ khả thi với những người có thu nhập trung bình. Còn nhóm người có thu nhập lại thường có học vấn, có hiểu biết nên ít có hành vi bạo lực, nhóm này thường hiếm khi bị phạt hành chính.

Trong khi nông dân nghèo, học vấn thấp, cuộc sống khó khăn thường dễ có chuyện "cơm không lành, canh chẳng ngọt" nảy sinh hành vi bạo lực gia đình, và dễ bị xử phạt hành chính. Nhưng với nông dân nghèo, ăn còn chả đủ lấy đâu mà nộp phạt? Dân gian từng nói "nắm anh có tóc, chứ ai nắm kẻ trọc đầu", cho nên, phạt người nghèo "không có tóc" thì nắm làm sao?

Thực tiễn này gợi ý rằng, việc xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình, có lẽ chỉ khả thi với những người có thu nhập trung bình. Còn nhóm người có thu nhập lại thường có học vấn, có hiểu biết nên ít có hành vi bạo lực, nhóm này thường hiếm khi bị phạt hành chính.
Trong khi nông dân nghèo, học vấn thấp, cuộc sống khó khăn thường dễ có chuyện "cơm không lành, canh chẳng ngọt" nảy sinh hành vi bạo lực gia đình, và dễ bị xử phạt hành chính. Nhưng với nông dân nghèo, ăn còn chả đủ lấy đâu mà nộp phạt? Dân gian từng nói "nắm anh có tóc, chứ ai nắm kẻ trọc đầu", cho nên, phạt người nghèo "không có tóc" thì nắm làm sao?

Mới hay, nhận thức phòng chống bạo lực gia đình, không chỉ từ những người trong cuộc, mà cả những người soạn thảo văn bản chính sách, luật pháp cũng cần có nhận thức đúng và phù hợp với thực tiễn, dặc điểm cộng đồng.

C.Mác có nói một câu đại ý rằng, người ở nhà ngói tư duy khác kẻ sống ở nhà tranh. Mong rằng, những nhà soạn thảo pháp luật trong phòng họp có máy lạnh, hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người sống ở nhà tranh. Có như vậy, mới hiểu được thân phận của những người thuộc tầng lớp nghèo khổ. Và chỉ khi đó, các văn bản pháp quy mới có tính khả thi, mới nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Nguồn: Tuanvietnam.net

No comments:

Post a Comment