Monday, 12 April 2010

Một lời xin lỗi tồi còn tệ hơn là không xin lỗi

Những lời xin lỗi miễn cưỡng hoặc thiếu chân thành thường còn tồi tệ hơn là hoàn toàn không xin lỗi, bởi khi đó người nhận sẽ cảm thấy bị xúc phạm. Nếu bạn đã làm điều sai trái trong ứng xử với người khác, thì nó giống như có sự nhiễm độc trong mối quan hệ của bạn. Một lời xin lỗi tốt sẽ giống như liều thuốc kháng sinh; còn một lời xin lỗi dở sẽ giống như xát muối vào vết thương.

Tôi bắt đầu bằng việc mô tả hai loại xin lỗi dở:
1. "Tôi xin lỗi vì bạn cảm thấy bị tổn thương do những việc tôi đã làm." (Đó là một cố gắng để an ủi xúc cảm, nhưng hiển nhiên là bạn không muốn đắp chút thuốc nào lên vết thương.)
2. "Tôi xin lỗi vì những gì tôi đã làm, nhưng bạn cũng phải xin lỗi tôi về những việc bạn đã làm." (Đó không phải là đưa ra một lời xin lỗi. Đó là yêu cầu một lời xin lỗi.)

Những lời xin lỗi đúng đắn bao gồm ba phần:
1. Điều tôi làm là sai.
2. Tôi cảm thấy tồi tệ vì đã làm tổn thương bạn.
3. Tôi có thể làm tốt hơn như thế nào?

Đúng, một số người có thể lợi dụng bạn khi trả lời câu hỏi thứ ba. Nhưng hầu hết mọi người sẽ trân trọng những cố gắng cầu tiến của bạn. Họ có thể nói với bạn về những cách đơn giản và dễ dàng để làm mọi việc được tốt hơn. Và thường, họ cũng sẽ tự cố gắng để góp phần làm cho mọi việc được tốt hơn.

Sinh viên sẽ nói với tôi :"Nếu tôi xin lỗi và người kia không xin lỗi lại thì sao?" Tôi trả lời họ :"Đó là điều bạn không thể kiểm soát được, vậy đừng để nó chi phối bạn."  

Nếu người kia nợ bạn một lời xin lỗi, và từ ngữ trong lời xin lỗi của bạn là đúng mực và chân thành, bạn vẫn có thể không nghe thấy gì từ họ trong một thời gian. Thật ra cũng chẳng sao khi người khác không có cùng xúc cảm để xin lỗi vào đúng thời điểm mà bạn thực hiện điều đấy. Vậy hãy kiên nhẫn. Nhiều lần, tôi đã thấy các sinh viên xin lỗi, và nhiều ngày sau đó, những bạn cùng nhóm của họ đến xin lỗi lại. Sự kiên nhẫn của bạn vừa được trân trọng, vừa được đền đáp. 


P/S: Trích "Bài giảng cuối cùng" của Randy Pausch - Giáo Sư Đại Học Carnegie Mellon & Jeffrey Zaslow. 

No comments:

Post a Comment